Tập ti bình đơn giản, dễ áp dụng cho trẻ
Việc chuyển từ bú mẹ sang bú bình thường làm trẻ khó chịu vì núm vú không giống nhau. Thậm chí, nhiều trẻ còn phản ứng rất dữ dội, gào khóc hoặc bỏ bữa là chuyện bình thường.Vậy làm thế nào để tập bú bình hiệu quả cho trẻ mà không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tinh thần của trẻ?
Đầu tiên các bạn cần tìm hiểu lý do vì sao trẻ không chịu bú bình
– Bé chưa quen với bú bình: Khi phải từ bỏ thói quen và chuyển sang một cách ăn mới, nhiều bé cảm thấy chưa quen, khó chịu. Các bạn cần cho con thời gian để con tập làm quen với việc bú bình.- Bé chưa quen sữa bột: Bạn bận đi làm và không có thời gian vắt sữa cho con nên cứ nhờ bà ngoại ở nhà pha sữa công thức cho bé ăn thay cho sữa mẹ. Tuy nhiên, trẻ có thể chưa quen mùi vị sữa công thức nên từ chối và không chịu ti bình.- Bé chưa thực sự đói: Bình thường, bé chỉ cần đòi là có thể bú mẹ bất cứ lúc nào, ngay cả khi không đói vì con thích cảm giác mút mát và nằm trong vòng tay mẹ. Nhiều mẹ lại lầm tưởng rằng con rất nhanh đói và cho con bú bình theo thời gian bú mẹ. Trẻ thường chỉ bú bình khi trẻ cảm thấy thực sự đói, nên nếu cho trẻ bú khi không đói, chúng sẽ không hợp tác.- Núm ti bình quá cứng: Trẻ đã quen với sự mềm mại của ti mẹ, giờ phải chuyển sang loại núm ti bình cứng hơn, khó mút hơn sẽ khiến con khó chịu, không hợp tác.- Trẻ đến giai đoạn mọc răng: Các bạn cũng thừa biết trẻ khi mọc răng sẽ thường khó chịu, quấy khóc, thậm chí là sốt. Lúc này, có bé còn không chịu ti mẹ chứ đừng nói đến ti bình. Đôi khi trẻ sẽ chấp nhận ti bình nhưng chỉ là do con ngứa lợi nên thích cắn răng vào túm ti chứ không chịu mút sữa.

Thứ hai, cho con tập ti bình theo các phù hợp nhất với con
– Bước 1: Tạo môi trường thích hợp cho bé: Khi cho trẻ bú bình, các bạn nên để cho trẻ trong môi trường yên tĩnh, không tạo ra những yếu tố thu hút trẻ khiến trẻ mất tập trung.
– Bước 2: Cho bé bú bình khi thực sự đói: Các bạn có thấy đói ăn cơm với mắm cũng ngon không. Con trẻ cũng vậy, hãy để con cảm thấy thực sự đói. Nếu ép trẻ bú bình khi trẻ không đói thì việc trẻ phản đối và không hợp tác là điều rất bình thường. Ban đầu bé chưa quen nên bú rất ít nhưng các mẹ đừng vội sốt ruột, đến ngày thứ 5, thứ 6, bé sẽ bắt đầu quen và uống được khoảng 50-60ml sữa và tăng dần lên.
– Bước 3: Tập cho bé quen dần với ti bình: Với những trẻ có thói quen ngậm ti giả hoặc đang trong giai đoạn mọc răng thì bạn có thể cho trẻ ngậm núm ti giả hoặc nhai trước, sau đó mới lấy núm ti giả và thay bằng bình sữa. Mẹ cũng nên giới thiệu cho con trước và cho con tự cầm bình để nghịch và làm quen.
– Bước 4: Cho bé bú bình bằng sữa mẹ: Vì trẻ đã quen với sữa mẹ nên các bạn có thể vắt sữa vào bình cho con tập bú, như vậy trẻ sẽ hợp tác dễ dàng hơn. Khi trẻ đã quen thì bạn có thể đổi sang sữa công thức. Tuy nhiên, nếu được thì tốt nhất vẫn nên duy trì cho trẻ bú sữa mẹ bằng cách vắt sữa, vừa đảm bảo nguồn dinh dưỡng cân bằng tốt nhất vừa giảm đáng kể chi phí nuôi con.

– Bước 5: Thay đổi núm ti mềm hơn: Núm ti cứng, khó mút hoặc mút ra tia sữa quá mạnh đều khiến trẻ khó chịu. Các bạn có thể đổi loại núm mềm mại hơn, phù hợp với con.
Lưu ý, cần cho bé thử nhiều lần trước khi khẳng định bình đó không hợp với con và đổi bình mới. Giống như việc người lớn đang ăn cơm gạo trắng hàng ngày rồi bị bắt chuyển sang cơm gạo lứt sẽ khá khó khăn thì trẻ cũng vậy. Đôi khi con không bú là do con chưa quen, chưa thể tiếp nhận cái mới ngay, phải cho con làm quen dần dần, đừng ép con, đừng để con sợ.
Thứ 3 lưu ý khi chọn núm vú cho con
– Chất liệu: Bạn có thể chọn núm silicon hoặc latex. Núm silicon săn chắc hơn và giữ hình dạng lâu hơn. Núm vú cao su mềm dẻo hơn nhưng không sử dụng được lâu. Dù rất hiếm gặp nhưng trẻ sơ sinh có thể bị dị ứng với latex.
– Hình dáng: Bạn có thể lựa chọn hình dạng núm vú truyền thống, có thể chỉnh nha, đầu phẳng hoặc loại có rãnh và hình dạng giống ty mẹ. Núm vú phẳng có hình dạng mô phỏng ty mẹ. Núm ty chỉnh nha được thiết kế để phù hợp với vòm miệng và nướu của trẻ.
– Độ tuổi, kích thước và lưu lượng: Nếu bạn đang cho trẻ sơ sinh bú bình, hãy mua kích thước cỡ nhỏ nhất, rồi xác định núm vú nào bé thích. Có những loại núm vú đặc biệt, sản xuất cho trẻ sinh non hoặc trẻ sơ sinh có vấn đề về miệng, ảnh hưởng đến khả năng bú.

Cuối cùng là dấu hiệu cho thấy bạn cần thay núm ti cho bé
– Nhu cầu ăn của trẻ: Mỗi cữ trẻ ăn càng nhiều và lực bú càng khỏe hơn khi trẻ càng nhiều tháng.
Vì vậy, bạn cần theo dõi sự phát triển và nhu cầu của con để thay núm vú có size lớn hơn, bình sữa lớn hơn nhằm phù hợp với nhu cầu của trẻ.
– Núm bị dính lại và không ra sữa: Nhiều mẹ tiết kiệm hoặc không để ý mà cho con dùng núm bình cho đến khi núm bẹp lại khiến sữa không chảy, bình nhạt màu, núm phồng lên, phần cao su mềm… Đây là lúc mẹ nên thay ngay bình mới cho con.

– Sữa chảy thành dòng không đều: Khi bé bú mà sữa chảy ra thành dòng, bé dễ bị sặc thì là lúc mẹ cần thay ngay bình mới. Núm cũ đã quá to không thể chảy nhỏ giọt như bình thường sẽ khiến bé bị sặc, thậm chí dẫn đến sợ bú bình.Để trẻ no bụng và được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng ngay cả khi mẹ không có nhà, thì trẻ cần phải học cách bú bình. Hãy kiên trì và có niềm tin rồi thành quả sẽ đến thôi.
Xem thêm: Sự phát triển của trẻ trong năm đầu tiên